7 BƯỚC VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM CỰC KÌ ĐƠN GIẢN
Bạn biết không bên cạnh việc chăm chút, bảo vệ làn da khỏi những tác nhân gây hại khách quan như tia UV, khói bụi, môi trường ô nhiễm… thì các nguyên nhân chủ quan cũng cần được để ý mà đôi khi không ít nàng bỏ sót.
Một trong những “kẻ thù” tiềm tàng dễ gây tổn thương cho da chính là các dụng cụ làm đẹp kém vệ sinh. Mục đích việc vệ sinh dụng cụ trang điểm không chỉ nhằm loại bỏ lớp mỹ phẩm thừa của những lần trang điểm trước đó mà còn làm sạch bã dầu nhờn, vi khuẩn và tế bào chết tồn động trên cọ, mút trang điểm… nguyên nhân gây mụn và tổn thương da như mụn viêm, mẩn ngứa, lớp trang điểm bị bong tróc và sần sùi.
Pixu Makeup bật mí cho bạn cách thỏa sức trang điểm, chiều chuộng làn da mà không lo những tác nhân gây mụn, tổn thương da bằng cách “làm mới ” thông qua 7 Bước vệ sinh cọ trang điểm cực kì đơn giản của mình nha!
Mục lục
- I. BẠN NÊN VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM BAO LÂU MỘT LẦN?
- II. 7 BƯỚC VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM CỰC KÌ ĐƠN GIẢN MÀ BẠN NÊN BIẾT.
- Bước 1: Làm ướt lông cọ – Đặt đầu cọ dưới vòi nước ấm.
- Bước 2. Vệ sinh cọ trang điểm – Nhẹ nhàng xoa bóp trong xà phòng.
- Bước 3. Xả sạch đầu cọ với nước ấm
- Bước 4. Vắt ráo nước cọ – Thấm khô cọ bằng khăn bông
- Bước 5: Điều chỉnh hình dạng của đầu cọ
- Bước 6: Hong khô cọ tự nhiên
- Bước 7: Kiểm tra lại toàn bộ cọ và bảo quản
- III. VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM QUA LOA VÀ NHỮNG TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG
- IV. NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG TRONG CÁCH VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM
- V. KHI NÀO THÌ NÊN VỨT BỎ CỌ TRANG ĐIỂM?
I. BẠN NÊN VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM BAO LÂU MỘT LẦN?
Với câu hỏi này Pixu nghĩ rằng câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu, tần suất cũng như loại cọ mà bạn sử dụng. Trong quá trình sử dụng, cọ trang điểm sẽ nhanh chóng bị bẩn. Không chỉ tích tụ khá nhiều cặn mỹ phẩm như phấn, kem, màu mắt, cọ trang điểm còn là nơi bám bẩn bởi bụi, bã nhờn, tế bào chết.
Việc làm sạch cọ sẽ giúp hạn chế nguy cơ nổi mụn do tích tụ vi khuẩn, giúp quá trình sử dụng cọ tốt hơn và kéo dài tuổi thọ sản phẩm.
- Đối với loại cọ dạng lớn dùng để đánh phấn, kem nền hay kem che khuyết điểm mà bạn thường xuyên sử dụng khi trang điểm thì tốt nhất là nên vệ sinh 2-3 lần/ tuần. Vì kết cấu lỏng của sản phẩm khiến lông cọ dễ bết dính, chứa nhiều vi khuẩn, bụi bẩn.
- Còn đối với cọ vẽ mắt, môi, che khuyết điểm thì bạn nên vệ sinh cọ mỗi ngày hoặc 1 tuần/ lần là tốt nhất. Bởi tương tự như cọ đánh nền, bông mút có tính chất thấm hút, ẩm ướt sẽ tạo nên môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển.
- Các loại cọ khác, tốt hơn hết bạn nên vệ sinh mỗi tháng/ lần.
- Đối với cọ dùng mỹ phẩm dạng bột như cọ phấn má, cọ phấn phủ: Vệ sinh 1 – 2 lần/tuần.
II. 7 BƯỚC VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM CỰC KÌ ĐƠN GIẢN MÀ BẠN NÊN BIẾT.
Bước 1: Làm ướt lông cọ – Đặt đầu cọ dưới vòi nước ấm.
– Đây là bước rất quan trọng trong các cách vệ sinh cọ trang điểm. Đầu tiên, bạn đặt cọ hướng xuống dưới vòi nước, mục đích là để nước không chảy vào phần kẹp kim loại trên cán cọ và làm hỏng keo dán đầu cọ. Nếu bị dính nước vào phần than cọ sẽ làm bong lớp keo liên kết với phần kẹp kim loại, khiến lông cọ bị rụng đi và dễ làm hỏng cọ.
– Sau đó, bạn cho nước chảy vào đầu cọ đến khi rửa trôi gần hết các sản phẩm trang điểm cũ. Nên để đầu cọ được đặt nghiêng xuống dưới vòi nước. Di chuyển và xòe đầu cọ để nước chảy vào giữa giúp cọ sạch hơn.
Lưu ý: Không sử dụng nước nóng vì sẽ khiến đầu và lông cọ bị hỏng.
Bước 2. Vệ sinh cọ trang điểm – Nhẹ nhàng xoa bóp trong xà phòng.
Cách 1: Vệ sinh cọ trong bát/cốc nhỏ hoặc trực tiếp trên cọ:
– Đầu tiên, bạn đổ nước ấm vào bát hoặc cốc nhỏ khoảng 60ml (1/4 cốc, tùy vào cốc bạn sử dụng). Sau đó, bạn có thể pha xà phòng vào nước trong cốc hoặc thoa trực tiếp lên cọ trong trường hợp cọ có nhiều bụi phấn trang điểm hoặc bị vón.
Lưu ý: Cách tiết kiệm thời gian cho bạn là ngâm cọ trong cốc tầm 10 phút để làm sạch sâu và hiệu quả hơn.
Cách 2: Vệ sinh cọ trực tiếp trên tay:
– Bạn hãy cho một ít xà phòng ra lòng bàn tay và xoáy cọ khắp lòng bàn tay theo chuyển động tròn nhẹ nhàng. Hãy đảm bảo toàn bộ phần lông cọ được thẩm thấu xà phòng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho xà phòng vào miếng rửa cọ, xoay cọ nhẹ nhàng để vệ sinh cọ trang điểm.
Bước 3. Xả sạch đầu cọ với nước ấm
– Sau khi lông cọ đã được làm sạch với xà phòng, tiếp tục vuốt đầu cọ dưới vòi nước ấm đến khi bạn thấy nước trong thì ngừng. Nếu bạn thấy nước vẫn màu đục, không chảy sạch cặn mỹ phẩm, bạn có thể lặp lại bước 1 – 2.
Lưu ý: Tránh làm ướt cán cọ và cần rửa cọ nhiều lần để làm sạch tuyệt đối không lấy cọ ra khi nước còn đục vì cọ vẫn chưa sạch hoàn toàn.
Bước 4. Vắt ráo nước cọ – Thấm khô cọ bằng khăn bông
– Dùng ngón tay vuốt nhẹ nhàng phần lông cọ để vắt bớt nước dư thừa và định hình lại hình dáng ban đầu của lông cọ. Hãy đảm bảo bạn dùng lực tay nhẹ nhàng, việc vuốt quá mạnh sẽ làm rụng lông cọ và gây hư hỏng cọ trang điểm.
– Sau đó dùng khăn bông và nhẹ nhàng thấm hết nước trên cọ hoặc gấp khăn quấn quanh đầu cọ và dùng ngón tay bóp để nước thấm hết ra khăn.
Bước 5: Điều chỉnh hình dạng của đầu cọ
– Điều chỉnh hình dạng của đầu cọ là bước rất quan trọng trong cách vệ sinh cọ trang điểm. Bạn cần chỉnh lại đầu cho thẳng, không để bị cong, dùng ngón tay kéo thẳng, xòe đầu cọ về hình dáng ban đầu.
Bước 6: Hong khô cọ tự nhiên
– Ở bước này, bạn không đặt cọ trên khăn nữa vì việc này gây ra tình trạng khó thoát nước, ẩm mốc và có mùi ở đầu cọ. Thay vào đó, hãy đặt cọ trên bàn với đầu cọ ở mép ngoài bàn, có ánh sáng tự nhiên để cọ mau khô. Chỉ cần qua một đêm là bạn có thể sử dụng lại cọ vào buổi sáng ngày hôm sau.
Bước 7: Kiểm tra lại toàn bộ cọ và bảo quản
– Sau khi cọ khô hoàn toàn, làm bông đầu cọ bằng cách lấy tay vuốt theo chiều ngang ở đầu cọ, đặt cọ đứng trong cốc hoặc xếp ngay ngắn trên bàn. Nếu bạn muốn cho cọ vào túi xách để mang đi làm hoặc du lịch, hãy xếp chúng vào túi hoặc hộp chuyên dụng, không để lẫn với vật dụng khác.
III. VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM QUA LOA VÀ NHỮNG TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG
1. Vệ sinh cọ trang điểm không sạch là nguyên nhân khiến da bị mụn, bong tróc
– Cọ trang điểm vô hình trở thành dụng cụ truyền nhiễm vi khuẩn nếu bạn không bảo quản và vệ sinh đúng cách. Thông thường, nếu không rửa cọ mà cứ sử dụng đi sử dụng lại thì cọ của bạn 1 nửa sẽ là vi khuẩn và nửa còn lại là phấn trang điểm bám lại. Những vi khuẩn này được tích lâu ngày và lẫn cùng mỹ phẩm sẽ khiến da bị mẩn, không đều màu, bong tróc và tệ nhất là dễ bị nổi mụn.
– Ngoài ra, việc bảo quản cọ ở những nơi ẩm ướt, không được tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên như phòng tắm cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
2. Cọ bẩn làm giảm tuổi thọ và tính hiệu quả của mỹ phẩm
– Nếu bạn không tiếc tay chi tiền cho mỹ phẩm hàng hiệu đắt tiền nhưng lại ít lưu tâm tới cách vệ sinh cọ trang điểm đúng cách thì cũng khiến tác dụng của mỹ phẩm giảm sút.
– Sau một thời gian, bạn sẽ thấy lớp trang điểm của mình không còn mịn màng, độ tán màu mới không được mềm, mướt, đều và chuẩn như ban đầu. Vậy nên cách giặt cọ trang điểm rất quan trọng nếu bạn muốn có lớp makeup tự nhiên, căng bóng.
IV. NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG TRONG CÁCH VỆ SINH CỌ TRANG ĐIỂM
1. Chọn nước rửa cọ trang điểm
– Nước vệ sinh cọ trang điểm là yếu tố then chốt trong cách làm sạch cọ trang điểm mà bất cứ bạn gái nào cũng nên biết.
– Bạn có thể vệ sinh cọ bằng những dung dịch chuyên dụng, có bán ở các shop mỹ phẩm hoặc mua online trân các sàn thương mại như Shopee, Lazada,…
– Tuy nhiên, trước khi vệ sinh cọ, bạn nên chọn dung dịch có thành phần tẩy rửa nhẹ để tránh gây kích ứng da mặt. Ưu điểm lớn nhất của những loại nước tẩy rửa chuyên dụng này là ngăn ngừa chất nhờn bám lại trên cọ một cách hiệu quả nhất.
– Hoặc nếu bạn muốn công đoạn rửa cọ trang điểm đơn giản và ít phức tạp hơn thì có thể sử dụng nước rửa cọ là những nguyên liệu sẵn có tại nhà như dầu gội trẻ em, cồn, sữa rửa mặt.
2. Không được đặt cọ thẳng đứng khi phơi
– Rất nhiều người khi phơi cọ còn ướt, vẫn giữ thói quen đặt đứng đầu cọ như khi cọ khô. Điều này hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra rỉ sét hoặc mục cán cọ. Ngoài ra, việc này khiến lớp keo dán đầu cọ bị bong tróc.
3. Không sử dụng máy sấy để làm khô cọ
– Khi sử dụng máy sấy, sức nóng này sẽ khiến sợi lông trên cọ bị hỏng, kể cả khi đó là sợi lông tự nhiên như lông chồn hay lông lạc đà. Thông thường, lông cọ trang điểm thường yếu hơn tóc của bạn, vậy nên hãy sử dụng những biện pháp nhẹ nhàng khi làm khô cọ nhé.
4. Trách sử dụng sản phẩm tẩy rửa mùi nồng, có tính tẩy mạnh
– Cách vệ sinh cọ trang điểm hoàn hảo nhất là bạn nên tránh sử dụng sản phẩm tẩy rửa có tính bào mòn mạnh và mùi nồng nặc, khó làm sạch hoặc làm hỏng đầu cọ như bột giặt, nước rửa bát có tính tẩy mạnh, dầu giấm, sản phẩm tẩy tế bào chết…
Điều này không chỉ áp dụng với cọ mà còn cả với cách vệ sinh dụng cụ trang điểm khác.
5. Mua máy vệ sinh cọ nếu muốn giải pháp vệ sinh đơn giản và hữu hiệu
– Nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian trong việc chăm sóc cọ và bỏ qua các bước làm sạch cầu kỳ thì có thể mua máy vệ sinh cọ chuyên dụng. Máy sẽ giúp cho quá trình làm sạch trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
V. KHI NÀO THÌ NÊN VỨT BỎ CỌ TRANG ĐIỂM?
– Tuy việc vệ sinh thường xuyên có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ của cọ trang điểm nhưng các sản phẩm này đều có thời hạn sử dụng. Thực tế, nguyên tắc chung là bạn nên thay cọ trang điểm sau 3 tháng. Nhưng nếu bạn cảm thấy cọ không bị biến đổi hình dạng, biến đổi màu thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng.
– Khi bạn cảm thấy lông cọ bắt đầu sờn, rụng, biến dạng, biến màu, có mùi hôi… thì bạn nên vứt bỏ chúng và thay thế bằng bộ cọ mới. Ví dụ cách nhận biết cọ tán kem nền dạng lỏng cần thay mới là hình dạng lông cọ bị tưa ra, nhăn nhúm, sợi lông kết dính lại dù bạn đã làm sạch kỹ càng.
Với những thông tin hữu ích về cách vệ sinh cọ trang điểm trên, Pixu Makeup and More hy vọng bạn sẽ biết cách chăm sóc, bảo quản cũng như lưu ý khi rửa cọ trang điểm cá nhân. Vì một lớp makeup đẹp và mịn màng, đừng quên vệ sinh cọ ngay từ hôm nay bạn nhé.